Lần khác, tôi cầm vũ khí về nhà giữa đêm khuya, cha tôi thì thầm sợ hàng xóm nghe thấy: "Mày đi đi, không làm ảnh hưởng đến cả cái nhà này". Tôi ra khỏi nhà, sau đó lẳng lặng quay lại khoét tường vào ngủ. Sáng ra nhìn thấy tôi, ông bảo: "Mày có muốn tao đánh mày một trận không?", tôi nhơn nhơn: "Cha đánh đi. Thoải mái đi". Cha tôi bất lực thốt lên: "Vậy thì sớm muộn tao cũng chết vì mày". Tôi càng làm già: "Đằng nào chẳng chết. Cha chết thử tôi xem". Mẹ tôi bật khóc vì sợ.
Tôi lấy chiếc xe máy mới mua của cha, thời ấy là cả một gia tài, đi luôn 15 ngày. Rồi tôi bán nó, từng bộ phận một, từ xi nhan, đèn, yếm, gương... đến lúc chiếc xe trơ khung như con gà trụi lông thì tôi mang về vứt bên kia đường gần nhà, hét lên: "Cha ơi, trả nhé!", xong bỏ chạy.
Sau lần đó, cha quyết định từ mặt tôi, ông bảo: "Sau này khi tao chết, mày không được nhìn mặt tao". Tôi bảo: "Không nhìn mặt thì nhìn ảnh, có vấn đề gì đâu". Trong suốt quãng đời của tôi, cha tôi đã từ mặt tôi đến năm lần bảy lượt.
Không cứng rắn như cha, mẹ tôi yếu đuối và bị bệnh tim. Mỗi lần tôi đánh nhau bà đều khóc. Bà sợ không dám nhìn vào mặt đứa con đầu trọc để tóc mào gà, phất pha phất phơ. Đầu những năm 90, tôi làm phu vàng, bỏ đi biệt đến khi bị nhiễm sốt rét mới chịu về nhà. Lúc ấy, tôi như người sắp chết.
Trở về, tôi đi dạy võ, rồi làm công nhân lò rèn, thợ bốc xếp quặng. Cãi nhau với quản đốc phân xưởng, tôi lại đánh nhau rồi bỏ việc.
Năm 1995, tôi linh cảm không ổn về mẹ, tôi nói với bà: "Mẹ ơi, con không đánh bạc nữa. Con đi thi đại học". Mẹ tôi vui lắm, cha thì bảo: "Mày chỉ có thi đại học chữ to thôi". Tôi cầm que vạch toẹt một đường, tuyên bố: "Không đỗ đại học, con sẽ bỏ nhà đi. Cha cứ yên tâm".
Năm 1996, mẹ tôi mất. Từ đó, tôi không bao giờ đánh nhau nữa. Tôi đi dọc con phố hàng đêm vì nhớ mẹ. Tôi buồn vì mẹ đã không nhìn thấy tôi trở thành một người tử tế. Còn cha chưa khi nào yên tâm về tôi. Năm 2003, tôi làm ăn thất bại, cha đến chỗ tôi ngủ với tôi một đêm. Ông bảo: "Nói thật, cha vẫn còn ít tiền đề phòng đau ốm, giờ cha mang hết cho con".
Đến ngày tôi làm "Cha cõng con", cha vẫn không tin tôi đã nên người. Khi phim gặp khó khăn tưởng không thể ra rạp, tôi quyết định bỏ tất cả, đưa ông đi Nhật, dù ông đã 80 tuổi, vừa đi vừa phải dìu. Tôi muốn cho cha được đi chơi với thằng con trai hư nhất nhà, để chứng kiến nó có bạn bè và họ là người tử tế.
Khi phim được giải ở Mỹ, tôi cũng đưa cha đi cùng. Hạnh phúc lớn nhất của tôi là đã cho cha chứng kiến khoảnh khắc đứa con trai của cha được trao giải, được vỗ tay chúc mừng. Khi phim chiếu ở Boston, ở Arizona, cha ngồi xem, thấy hàng trăm người ôm tôi, nhiều người khóc và hỏi chuyện. Tôi bảo ông: "Cha thấy thằng con của cha được không?", ông bảo: "Ừ, mày làm cũng được con ạ". Hai cha con vừa đi vừa trêu nhau, cha tôi cao hứng: "Được làm cha mày lúc này thấy cũng vui con ạ".
Coi nguyên bài viết ở :
Cho cha – cho con
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét