"Là con gái, đến tuổi không lấy chồng còn đợi đến bao giờ?"
Bỏ trốn thành phố nhộn nhịp một vài ngày để về chơi với mẹ, mẹ mừng lắm, nhưng cũng không nén nổi những cái thở dài thườn thượt. Mẹ cứ động viên con gái đi lấy chồng đi. Cái nghề cái nghiệp có theo đuổi thế chứ theo đuổi mãi cũng mệt. Còn nếu không thì bỏ việc thành phố đi, về quê kiếm một công việc ổn định hơn, nhàn hạ hơn, rồi sau đó kiếm một "tấm chồng" cho yên ổn thôi.
Hai mẹ con ngồi ngoài hiên tranh luận, nghĩ cũng thương mẹ tuổi ngày càng già đi, sức ngày càng yếu, nhà lại chỉ có mỗi mống con gái cứ lông ba lông bông bay nhảy trên thành phố. Không ít lần mẹ phiền ra mặt với cái công việc mà con gái đang làm: hướng dẫn viên du lịch.
Mẹ nói, con gái con lứa không chọn cái nghề nào nó ổn định hơn một tí, thì còn lâu mới cưới được chồng. Vì sau này, không chỉ có chồng mà còn lo cho gia đình, lo cho con cái, đâu thể thích bay nhảy thế nào cũng được. Và mẹ đồ rằng, con gái mẹ ế đều là do đi làm cái nghề "lông bông" nay đây mai đó.
Không trách được mẹ, vì ở quê thường không nhìn cái gì ra quá xa ngoài giếng nước gốc đa đầu làng. Mẹ chỉ nghĩ một nếp nghĩ đơn giản rằng con gái có thì, đến lứa thì dựng vợ gả chồng là đương nhiên, và việc con gái tận gần ba mươi vẫn chưa í ới chuyện ra mắt chàng rể mới làm mẹ phải phiền lòng.
Chỉ có điều, suy nghĩ của những đứa con gái như tôi thì lại khác… Khoảng cách giữa hai thế hệ đôi khi là quá xa để có thể lắng nghe và thông cảm cho nhau. Không ai đúng hoàn toàn, cũng chẳng ai sai hoàn toàn, mỗi người đều có một lý lẽ riêng của mình và muốn bảo vệ nó đến cùng.
Cho nên chuyện lấy chồng của con gái lớn, muôn đời muôn thuở vẫn là nỗi lo trăn trở và phiền muộn của bố mẹ. Và với con gái, cũng là một nỗi niềm bức xúc không tên, mỗi khi bị ai đó gặng hỏi han.
Nhưng có thật sự, "bến đỗ" của cuộc đời mỗi cô gái đều là một người đàn ông được gán danh xưng là chồng?
Tôi thì quan niệm khác mẹ tôi. Tôi nghĩ con gái sinh ra vốn dĩ đã yếu mềm, nhưng không có nghĩa là cứ vì yếu mềm thì phải dựa dẫm hoàn toàn vào một ai đó khác. Cả chuyện cuộc đời về sau, cũng không cứ phải khăng khăng dựa dẫm vào chồng mình.
Nếu có thể, thì vẫn tự chủ tự lập, để có thể đứng vững trên đôi bàn chân của mình, tiêu những đồng tiền chân chính do mình làm ra, tận hưởng những thứ mình đáng được hưởng. Cuộc đời có mấy tý đâu mà phải hững hờ?
Việc lấy chồng còn tùy duyên, có người yêu sâu đậm vài ba năm mà vẫn không thể đến được với nhau. Cũng có người gặp nhau như định mệnh, chớp nhoáng vài lần là đã thành vợ thành chồng. Cho nên đối với chuyện lấy chồng, đến lúc thì sẽ thấy người cần gặp, đúng thời điểm thì sẽ muốn được an yên. Chứ còn không, thì giục giã cũng có ích gì, trông chờ cũng có ích gì, đâu thể tự dưng rơi "bộp" từ trên trời xuống một "anh chồng" để mang về làm vừa lòng cha mẹ?
Tôi chỉ buồn là suy nghĩ của mẹ tôi có phần hơi bó buộc con gái mình. Bà cho rằng con gái không nên làm những công việc quá năng động, quá thiên về tiếp xúc với xã hội, mà chỉ nên co vào gia đình và chồng con để làm tròn thiên chức của người phụ nữ.
Đối với bà, con gái kiếm tiền ít một chút cũng được, chỉ cần dựa dẫm vào chồng, cả cuộc đời chỉ cần hy sinh cho chồng cho con, chồng con ắt không bao giờ phụ. Và bà cũng mong muốn tôi chọn sống một cuộc sống an nhàn giống như bà, hy sinh thầm lặng từ tuổi thanh xuân, những nhiệt huyết, ước mơ và hoài bão tuổi trẻ, chỉ để làm bóng hồng phía sau lưng một người đàn ông thành đạt.
Mẹ tôi coi việc đặt trọng điểm cuộc đời người phụ nữ vào người chồng là đương nhiên, và cũng như khá nhiều những bà mẹ khác, đều mong muốn con gái mình đặt trọng điểm cuộc đời mình vào cái "bến đỗ" ấy. Vì mọi người đều nghĩ, đã là bến đỗ, thì đi rồi sẽ trở về, mãi mãi ràng buộc nhau bởi một sợi dây. Phụ nữ chẳng cần gì ngoài cảm giác được an toàn. Có lẽ thế…
Nhưng thời đại bây giờ, phụ nữ đâu cần phải giữ khư khư bên mình cái suy nghĩ như thế nữa. Tại sao lại phải chọn người khác làm "bến đỗ" cho cuộc đời mình, mà không phải là chính mình trở thành "bến đỗ" vững chắc cho mình?
Nếu đàn ông có nhiều nỗi lo, thì phụ nữ cũng tồn tại không ít những trăn trở. Nếu đàn ông cần sự nghiệp thăng tiến, thì phụ nữ cũng cần một công việc ngoài xã hội để thấy mình không phải là "người rừng". Cho nên chỉ mong sao, chúng ta có thể vững lòng vững dạ, trước hết là để trở thành "bến đỗ" cho mình trước đã. Rồi sau khi trở thành bến đỗ cho mình, mới có thể an tâm trở thành bến đỗ cho cuộc đời người khác.
Chúng ta yêu nhau, đến với nhau, chọn sống với nhau trọn đời cũng phải dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Chứ không phải coi nhau như một tấm phao cứu sinh vô tình vớ được khi đang lõm bõm lặn ngụp trong một vùng nước xiết.
Chắc là tôi vẫn sẽ lấy chồng đấy, nhưng là lấy người mà tôi yêu và tôn trọng cả nghề nghiệp mà tôi làm. Và tôi sẽ không coi anh ấy là "bến đỗ" để mình dừng chân ngơi nghỉ trong hành trình xuân trẻ của mình. Tôi chỉ đơn giản coi anh ấy là"cuộc đời" thôi, chúng tôi sẽ đặt cuộc đời hai đứa vào nhau để cùng sống, cùng làm việc, cùng tồn tại ngày qua ngày, nương tựa vào nhau mà sống chứ không phụ thuộc vào nhau mà sống.
Tham khảo bài nguyên mẫu tại đây :
Tại sao người ta cứ quan niệm “bến đỗ” cho một người con gái là phải lấy chồng? – Lạc giữa Sài Gòn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét