Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

WOMEN IN FILM

Nhưng đó là chuyện cách đây 37 năm, khi công nghệ sản xuất phim còn nặng nề phức tạp, khi giới đạo diễn điện ảnh đúng là khan hiếm phụ nữ. Thập niên 90 thế kỷ trước, thế giới có khoảng mười Liên hoan phim (LHP) Phụ nữ, riêng Nhật đã chiếm hai. Thoạt nghe có vẻ như nữ giới xứ này oách lắm, nhưng có dịp tham gia mới thấy không hẳn. Nếu những LHP khác là dịp cho các “anh hào” điện ảnh giao lưu, thì cứu cánh của LHP phụ nữ Nhật nhằm gián tiếp tranh đấu bình quyền cho nữ giới, thông qua cánh cửa chưa bao giờ rộng mở với họ! Hai lần dự LHP Phụ nữ Tokyo, tôi thấy các thành viên nước chủ nhà quá khiêm tốn, sau nhiều năm vẫn quẩn quanh bấy nhiêu gương mặt, mà đa số đạo diễn phim tài liệu. Bà Etsuko Takano - cố chủ tịch LHP Phụ nữ Tokyo, sinh thời luôn tỏ ra phiền muộn khi nhắc tới những bất công mà hơn hai chục năm, với tư cách lãnh đạo LHP bà đã dày công tranh đấu.

Câu hỏi thường xuyên tôi phải nghe thời đó là làm nữ đạo diễn gian nan, cực nhọc ra sao. Câu trả lời: tiện và bất tiện. Tiện vì ê kíp không… nỡ đối xử thô bạo, bất tiện vì tư tưởng trọng nam khinh nữ lưu cữu. Phim đầu tay sau tốt nghiệp tôi bị mọi người đua nhau “ăn hiếp”, nhưng mọi thứ cũng qua mau khi bạn chứng tỏ khả năng nghề nghiệp, khả năng cầm cương mà nôm na gọi là vua của trường quay. Giống như mọi vị trí lãnh đạo, vua trường quay cũng cần ba tố chất: chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc, và chỉ số yêu thương. Không biết đo các chỉ số kia, tôi chỉ nhớ mình đã làm việc với đoàn phim như một gia đình (dù đôi khi bất cập), không phân biệt vị thế. Vừa phải là tấm gương lao động, ngọn lửa hâm nóng sự ngã lòng, nguội lạnh luôn rình rập trước muôn trùng gian khó. Và điều quan trọng, phải làm cho mọi người tin vào kết quả sản phẩm.

Jack Ma, doanh nhân nổi tiếng thế giới có câu nói nổi tiếng: “Muốn cuộc sống đơn giản, đừng làm lãnh đạo”. Tôi muốn mượn ý đó đổi thành: Muốn cuộc sống đơn giản, đừng làm đạo diễn. Bởi từ khi có trong tay kịch bản, bạn đã bị nhân vật, khung hình, bối cảnh, âm thanh, ánh sáng… đeo ám, không còn thời gian, tâm trí cho cái gì khác, kể cả gia đình. Trải nghiệm thực tế vậy, nên khi các bạn nữ hỏi kinh nghiệm làm đạo diễn, tôi hay trả lời nửa vui nửa thật: Hãy biết xả thân vì phim và chọn một ông chồng biết xả thân vì… vợ! Tôi cũng từng nói vui, để chuộc tội vắng nhà miên man, các đạo diễn nữ rất đảm đang, chu đáo mỗi khi hồi gia. Như vậy há vẫn hơn ở nhà miên man mà không chu đáo, đảm đang? Bây giờ so với thế hệ trước, máy móc điện ảnh tinh gọn, điều kiện học hỏi tiện ích có làm bớt đi cực nhọc của người làm phim nói chung và phụ nữ nói riêng, nhưng do thiên chức, phụ nữ vẫn gặp khó khăn hơn ở vai trò đạo diễn. Họ phải “đạo diễn” hai thứ cùng lúc: phim và cuộc sống gia đình. Nên chi tôi cực kỳ ngưỡng mộ các đạo diễn nữ đông con. Bây giờ tỉ lệ nữ đạo diễn ở Việt Nam sắp ngang bằng các nam đạo diễn (đặc biệt vượt trội ở thể loại phim ngắn), và sản phẩm của họ không kém cạnh các nam đồng nghiệp.

Nếu để tâm tình một chút với thế hệ đi sau, tôi chỉ có hai ý. Một là, ông bà ta hay nói: “Người thanh nói tiếng cũng thanh, chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu”. Đầu tiên hãy xem mình có “kêu” không, bởi khi đã “kêu”, thì đánh khẽ phim cũng vang xa. Thứ hai, đạo diễn không phải cái gì siêu việt, phi phàm. Đạo diễn là một nghề bình thường như mọi nghề khác: nghề may, nghề mộc, nghề nấu bếp... Sẽ có những sản phẩm phim bình thường như chiếc tủ, chiếc áo, bữa cơm bình thường, nhưng cũng có những sản phẩm mà nhìn vô thấy rõ sự đặc sắc, công phu, tinh tế, thông minh khiến ta phải rung động… Vậy nên những bạn nữ muốn làm phim cứ hăng hái lên đường, sau khi tự vấn mình có thật sự mê nghề nghiệp này không, và mê (được) đến bao giờ?

Coi thêm ở :
WOMEN IN FILM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét