Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

Phụ nữ sinh ra đâu phải chỉ để chịu đựng và hi sinh? – Lạc giữa Sài Gòn

Đêm qua tôi inbox nói chuyện rất lâu với một người đàn bà tôi không quen biết.

Thật sự qua câu chuyện của chị tôi vô cùng xót xa và ngạc nhiên. Thì ra trên đời này có những con người sinh ra là để chịu đựng thật.

Chị nói rất nhiều về nỗi khổ đau của chị, tôi luôn biết, khi đàn bà họ nói hãy cứ lắng nghe thôi, họ đã nói tức là tim họ bị tràn rồi đấy, họ nói để vơi bớt ấm ức, vơi bớt nhọc nhằn. Họ nói có người lắng nghe thì họ sẽ cảm thấy được quan tâm, được đồng cảm và chia sẻ.

Tôi sinh ra và bây giờ cũng vẫn ở nhà quê. Ý thức của rất nhiều thằng đàn ông nhà quê tôi chẳng lạ gì. Sống quanh tôi vô số những người đàn ông gia trưởng, ngu dốt và bảo thủ. Họ sống bản năng và chẳng biết phải thu xếp giải quyết những va chạm nhỏ nhặt trong đời sống vợ chồng bằng cách nào ngoài cách dùng nắm đấm để đàn áp vợ mình.

Phụ nữ sinh ra đâu phải chỉ để chịu đựng và hi sinh?

Tôi đã rất nhiều lần chườm những vết thương cho những người đàn bà bị chồng đánh đập. Nhìn đôi mắt sưng vù với những tia máu chạy quanh do vỡ mao mạch nom rất đáng sợ và thương tâm, tôi đau lòng nhưng cũng đành bất lực. Bất lực bởi chính các chị đã quá sợ hãi, hoặc quá cầu toàn, các chị không tự đứng ra tự bảo vệ và thoát khỏi nó thì mọi lời khuyên nhủ hoặc chỉ đường chỉ là vô ích thôi. Bạn sẽ không thể thúc đẩy một người leo lên thang, nếu tự anh ta không muốn vượt tường.

Nhiều người Đàn bà thế hệ 7x trở về trước lắm người kỳ lạ thật. Tôi nghiệm ra rằng nếu thuở nhỏ các chị được giáo dục trong khuôn phép hà khắc nho giáo cổ hủ. Tức là đủ các thứ cấm kỵ cộng với roi vọt nhiều. Các chị giống như con voi con, ngày bé người ta cột nó bằng sợi xích vào chân, nó lớn lên rồi, người ta không cần xích chân nó nữa, chỉ cần vứt sợi xích bên cạnh là nó mặc định cứ đứng như vậy, dù có đói ăn và khát nước mà chẳng dám đi. Đó chính là sự trói buộc trong tâm tưởng mất rồi.

Phụ nữ sinh ra đâu phải chỉ để chịu đựng và hi sinh?

Sức mạnh và dũng mãnh như một con đại bàng, người ta giam cầm nó trong cái lồng chật hẹp bên trên để hở, nhưng nó chỉ biết gắng sức lần tìm để thoát ra ngoài từ cánh cửa bên cạnh mình chứ không bao giờ ngẩng đầu tìm khoảng trống phía bên trên. Vì đại bàng khi bắt đầu bay là chạy lấy đà để cất cánh.

Tôi thương những người đàn bà nhà quê! Lắm chị gần như chưa từng được hưởng những thương yêu, hồi yêu nhau và mới quen thì còn được hưởng chút êm ái nhẹ nhàng từ người đàn ông. Cưới nhau và có con là lắm thằng đàn ông mặc định đã là vợ thì đối xử thế nào cũng được, văn hoá làm chồng thế nào họ không hiểu không biết và chưa từng được thấy bao giờ, họ chỉ thấy ở đời ông cha bà bố họ, hơi bế tắc là giải quyết bằng cách áp bức là xong. Cứ già đòn non lý sự không nói nhiều. Còn những người phụ nữ lại thấy cuộc sống quanh họ ngày bé, phụ nữ ai cũng phải chịu đựng, phải đắng cay, họ mặc định đời họ phải thế.... và họ buông xuôi.

Thương lắm đàn bà ạ! Nhưng tôi cũng chỉ nghe và biết nghe thôi. Nếu được ở gần bên chắc chắn tôi sẽ ôm chị vào lòng... thương lắm! Hãy cố gắng lên đàn bà nhé. Trời không lấy của ai tất cả đâu, nếu ý thức bị xiềng xích như một con voi, và không biết bay thẳng lên phía trên giống như chim đại bàng thì các chị hãy cứ sống như các chị đã từng.

Thương yêu lắm nhưng chỉ biết khuyên rằng vợ chồng là cái nợ đời, kiếp trước các chị nợ nó thì kiếp này phải trả hết mới thoát được, nhưng còn xem thái độ của thằng chủ nợ thế nào đã. Chợ có bán được thịt người đâu, trả nợ cũng phải trả dần dần, đàn áp nôn nóng quá là các chị chạy làng cho em. Không trả thì đừng, hãy cùn đi các chị, đời là cái chó gì mà phải sòng phẳng hả?

Hãy làm cho cuộc sống của mình ý nghĩa và vui đi, dù ngắn cũng được là buông tay khỏi những điều tưởng chừng như là chắc chắn một lần đi. Đừng cố chấp và đừng tự lừa mỵ bản thân mình. Hạnh phúc không hẳn là đầy đủ và khuôn mẫu, hạnh phúc tức là từng phút giây sống ta phải được mỉm cười và được trân trọng.

Ngẫn.

Tham khảo bài nguyên mẫu tại đây :
Phụ nữ sinh ra đâu phải chỉ để chịu đựng và hi sinh? – Lạc giữa Sài Gòn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét